banner

Nấm Âm Đạo: Triệu Chứng, Nguyên Nhân, Điều Trị và Phòng Ngừa

Thẩm định nội dung

Bác Sĩ Bùi Thị Hường

BS.CKI Bùi Thị Hường đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa, bác sĩ lâm sàng khám và điều trị các bệnh lý Sản Phụ khoa chuyên sâu, có bề dày kinh nghiệm trong việc xử lý các ca viêm phụ khoa nặng, tái phát nhiều lần.

Nấm âm đạo là một trong những bệnh phụ khoa thường gặp nhất, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống nữ giới. Theo thống kê, khoảng 75% phụ nữ có thể bị nhiễm nấm âm đạo ít nhất một lần trong đời, và con số này vẫn tiếp tục gia tăng. Nấm âm đạo không phải là bệnh lý nguy hiểm, nhưng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng và tác động tiêu cực đến đời sống của phụ nữ.

Bài viết được tham khảo kiến thức chuyên môn từ bác sĩ Bùi Thị Hường, giúp nữ giới hiểu rõ hơn về các triệu chứng, nguyên nhân, phương pháp điều trị cũng như cách phòng ngừa hiệu quả bệnh nấm âm đạo, từ đó chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe và ngăn ngừa bệnh tái phát.

Nấm âm đạo là gì?

Nấm âm đạo là một bệnh phụ khoa dạng nhiễm trùng phổ biến ở phụ nữ, với khoảng 75% phụ nữ mắc phải ít nhất một lần trong đời (theo Sobel). Tác nhân chính gây ra bệnh nấm âm đạo là nấm Candida albicans, một loại nấm thường sống trong cơ thể con người nhưng có thể phát triển quá mức khi gặp điều kiện thuận lợi. Khi bị nấm âm đạo, bệnh nhân khó chịu ở vùng kín mà còn gây mùi, chảy dịch ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.

Bệnh nấm âm đạo có thể tái phát nhiều lần với tần suất tái phát khác nhau tùy thuộc vào sức đề kháng của mỗi người. Nấm ở âm đạo không được coi là một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhưng khi quan hệ không an toàn vẫn làm tăng nguy cơ lây bệnh.

Nấm Candida albicans thông tin chi tiết

Candida albicans là một loại nấm men thường trú trong cơ thể con người, đặc biệt là ở các khu vực ẩm ướt như miệng, ruột và âm đạo. Đây là tác nhân gây ra phần lớn các trường hợp nhiễm nấm, bao gồm nấm âm đạo, nhưng cũng có thể gây nhiễm trùng ở các khu vực khác nếu điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nấm.

nấm âm đạo Candida albicans
Hình ảnh nấm âm đạo Candida albicans – ĐKQTHN

Nấm Candida albicans thuộc họ Saccharomycetaceae tồn tại tự nhiên trong cơ thể người, thường ở các vị trí như: Miệng và cổ họng, Ruột, Da, Âm đạo. Trong trạng thái cân bằng, Candida albicans không gây hại, nhưng khi gặp các yếu tố thuận lợi, chúng có thể phát triển mạnh và gây bệnh. Candida albicans có khả năng gây bệnh khi hệ vi sinh vật tự nhiên trong cơ thể bị mất cân bằng như: Suy giảm hệ miễn dịch, Sử dụng kháng sinh, Thay đổi nội tiết, Bệnh tiểu đường,…

Điều trị nhiễm Candida albicans phụ thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của tình trạng thực tế. Ngoài ra Candida albicans đã phát triển khả năng kháng với một số loại thuốc kháng nấm, đặc biệt là fluconazole. Kháng thuốc là một vấn đề nan giải, đặc biệt trong điều trị các trường hợp nhiễm nấm Candida nghiêm trọng. Khi bị nấm âm đạo do Candida albicans cần theo sự chỉ định của bác sĩ để điều trị hiệu quả tránh gây tình trạng kháng thuốc rất khó điều trị.

Một số nấm âm đạo khác ngoài Candida albicans

Một số loại nấm âm đạo khác
Các chủng nấm âm đạo khác tuy hiếm gặp hơn nhưng khó điều trị – ĐKQTHN

Ngoài nấm Candida albicans là tác nhân chính gây bệnh, nấm âm đạo còn có thể do một số loại nấm khác gây ra, mặc dù hiếm hơn. Các loại nấm này bao gồm:

  • Candida glabrata: Đây là loại nấm Candida ít phổ biến hơn nhưng có khả năng kháng lại một số loại thuốc kháng nấm, khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn. Nhiễm Candida glabrata thường gặp ở những người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc mắc tiểu đường. Nghiên cứu cho thấy khoảng 10-15% các trường hợp nấm âm đạo do loại nấm này gây ra.
  • Candida tropicalis: Loại nấm này cũng ít gặp nhưng có thể gây nhiễm trùng trong một số trường hợp. Candida tropicalis có xu hướng gây bệnh nghiêm trọng hơn ở những người suy giảm miễn dịch.
  • Candida parapsilosis: Loại nấm này thường gây nhiễm trùng ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc những người đã trải qua các thủ thuật y khoa, nhưng cũng có thể gây ra nhiễm nấm âm đạo.
  • Candida krusei: Mặc dù rất hiếm gặp trong nhiễm trùng âm đạo, Candida krusei có khả năng kháng với fluconazole, một trong những thuốc kháng nấm phổ biến nhất. Điều này làm cho việc điều trị loại nấm này khó khăn hơn.

Mặc dù nấm Candida albicans vẫn là nguyên nhân chính gây bệnh nấm âm đạo, các loại nấm trên vẫn có khả năng nhất định bùng phát thành bệnh với việc điều trị phức tạp hơn.

Triệu chứng khi bị nấm âm đạo

triệu trứng khi bị nấm âm đạo
Khi bị nấm âm đạo thường có biểu hiện ngứa rát – ĐKQTHN

Khi bị nhiễm nấm âm đạo do Candida albicans, các triệu chứng có thể biểu hiện rõ ràng và gây khó chịu. Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), ở 75-90% phụ nữ mắc nấm âm đạo thường xuất hiện các triệu chứng như sau:

  • Ngứa âm đạo: Ngứa là triệu chứng phổ biến nhất khi bị nấm âm đạo và thường vô cùng khó chịu. Cảm giác ngứa có thể xảy ra cả bên trong và xung quanh vùng âm đạo (âm hộ). Tình trạng này thường trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm hoặc sau khi tắm. Ngứa có thể khiến da vùng âm đạo bị kích ứng, đỏ rát do gãi nhiều.
  • Khí hư bất thường: Một trong những dấu hiệu đặc trưng của nhiễm nấm âm đạo là sự thay đổi về khí hư:

+ Khí hư thường có màu trắng đục, dày, và có hình dáng giống phô mai lỏng.

+ Khí hư thường không có mùi hoặc có mùi rất nhẹ, khác với nhiễm khuẩn âm đạo.

+ Lượng khí hư có thể tăng lên rõ rệt, gây cảm giác ẩm ướt và khó chịu trong suốt cả ngày.

  • Cảm giác bỏng rát: Nhiễm nấm âm đạo thường gây ra cảm giác bỏng rát, đặc biệt là khi đi tiểu hoặc trong quá trình quan hệ tình dục. Điều này là do niêm mạc âm đạo bị viêm nhiễm, gây ra tình trạng nhạy cảm và kích ứng. Cảm giác rát có thể xuất hiện ngay cả khi không thực hiện các hoạt động như tiểu tiện hoặc quan hệ, khiến người bệnh luôn cảm thấy khó chịu.
  • Sưng đỏ và đau nhức: Vùng âm hộ và âm đạo có thể bị sưng tấy, đỏ, và đau khi bị nhiễm nấm. Sưng đỏ thường kèm theo cảm giác đau, đặc biệt là khi đi lại hoặc mặc quần áo chật chội, bó sát. Đôi khi, niêm mạc âm đạo có thể xuất hiện các vết rách nhỏ hoặc trầy xước do gãi nhiều hoặc do kích ứng từ khí hư.
  • Khó chịu và đau khi quan hệ tình dục: Nhiễm nấm âm đạo có thể khiến việc quan hệ tình dục trở nên khó chịu hoặc đau đớn, do tình trạng viêm âm đạo và khô âm đạo. Quan hệ tình dục khi bị nấm âm đạo có thể làm bệnh trầm trọng thêm.
  • Đi tiểu đau: Khi bị nhiễm nấm âm đạo, một số phụ nữ có thể cảm thấy đau hoặc rát khi đi tiểu. Điều này xảy ra do nước tiểu tiếp xúc với niêm mạc âm đạo bị viêm, gây ra cảm giác xót và rát.
  • Kích ứng và rát ở vùng xung quanh âm đạo: Ngoài cảm giác ngứa và bỏng rát bên trong, nhiễm nấm âm đạo còn có thể gây kích ứng và đau rát ở vùng ngoài âm đạo (âm hộ). Da ở khu vực này có thể trở nên khô, nứt nẻ hoặc xuất hiện các vết loét nhỏ do bị kích ứng.
  • Khô âm đạo: Mặc dù khí hư có thể xuất hiện nhiều, nhưng phụ nữ bị nhiễm nấm âm đạo thường cảm thấy khô rát bên trong âm đạo. Khi bị nhiễm nấm Candida, độ pH trong âm đạo bị thay đổi, làm cho môi trường âm đạo trở nên kiềm hơn. Môi trường kiềm không thuận lợi cho sự sản xuất dịch nhờn, khiến âm đạo dễ bị khô hơn. Khô âm đạo do nấm có thể làm tăng cảm giác khó chịu, đặc biệt là khi quan hệ tình dục.
  • Mùi hôi nhẹ hoặc không mùi: Nấm âm đạo do Candida albicans thường không gây mùi hôi mạnh như các bệnh phụ khoa khác như viêm âm đạo do vi khuẩn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, có thể xuất hiện một mùi hôi nhẹ ở cơ quan sinh dục do sự phát triển quá mức của nấm.
  • Các triệu chứng toàn thân (hiếm gặp): Trong các trường hợp nhiễm nấm nặng hoặc tái phát nhiều lần, một số phụ nữ có thể cảm thấy mệt mỏi, đau nhức và cảm giác không khỏe toàn thân. Tuy nhiên, những triệu chứng này rất hiếm và thường chỉ xuất hiện ở những người có hệ miễn dịch suy yếu hoặc nhiễm nấm lan rộng.

Nguyên nhân gây nấm âm đạo đến từ đâu?

Nguyên nhân gây ra bệnh nấm âm đạo chủ yếu liên quan đến sự phát triển quá mức của nấm Candida albicans. Bình thường, Candida tồn tại ở mức độ vừa phải trong âm đạo, cùng với nhiều loại vi khuẩn khác tạo nên sự cân bằng hệ vi sinh vật. Tuy nhiên, khi hệ vi sinh này mất cân bằng, Candida có thể phát triển mạnh và gây ra bệnh nấm âm đạo. Dưới đây là các nguyên nhân chính và yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh:

1. Mất cân bằng vi sinh vật âm đạo

Âm đạo của phụ nữ chứa hàng tỷ vi khuẩn có lợi như Lactobacilli, có vai trò quan trọng trong việc duy trì môi trường cân bằng và giúp kiểm soát sự phát triển của nấm Candida. Khi hệ vi sinh này bị xáo trộn, vi khuẩn có lợi suy giảm, tạo điều kiện cho nấm phát triển quá mức và gây ra viêm nhiễm.

2. Sử dụng kháng sinh trong thời gian dài

Việc sử dụng kháng sinh để điều trị các bệnh nhiễm trùng khác có thể dẫn đến tình trạng mất cân bằng hệ vi sinh trong âm đạo. Kháng sinh tiêu diệt không chỉ vi khuẩn gây bệnh mà còn cả các vi khuẩn có lợi như Lactobacilli, khiến nấm Candida dễ dàng phát triển. Đây là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh nấm âm đạo ở những phụ nữ sử dụng kháng sinh trong 1 khoảng thời gian lâu dài.

3. Thay đổi nội tiết tố

Những thay đổi về nồng độ hormone trong cơ thể cũng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển. Các giai đoạn đặc biệt trong đời người phụ nữ như thai kỳ, kinh nguyệt, mãn kinh, hoặc sử dụng thuốc tránh thai đều có thể ảnh hưởng đến sự cân bằng vi sinh trong âm đạo. Hormone estrogen đóng vai trò lớn trong việc duy trì độ pH và hệ vi sinh vật âm đạo. Khi nồng độ estrogen thay đổi, môi trường âm đạo có thể trở nên thuận lợi hơn cho sự phát triển của nấm Candida.

  • Thai kỳ: Trong thời gian mang thai, mức estrogen và glycogen trong âm đạo tăng cao, khiến âm đạo trở thành môi trường lý tưởng cho nấm Candida phát triển.
  • Kinh nguyệt: Nồng độ hormone thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt có thể làm mất cân bằng độ pH trong âm đạo, khiến nấm dễ phát triển hơn.

4. Tiểu đường (đặc biệt là tiểu đường không kiểm soát)

Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là những người không kiểm soát tốt lượng đường trong máu, có nguy cơ cao bị nhiễm nấm âm đạo. Lượng đường trong cơ thể cao sẽ cung cấp nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho nấm Candida phát triển. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp bệnh nhân tiểu đường không được kiểm soát tốt, vì lượng glucose cao trong nước tiểu cũng góp phần tạo điều kiện cho nấm phát triển trong môi trường âm đạo.

5. Suy giảm hệ miễn dịch

nguyên nhân gây bệnh nấm âm đạo
Một số nguyên nhân gây bệnh nấm âm đạo – ĐKQTHN

Những người có hệ miễn dịch suy yếu do bệnh lý hoặc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch (chẳng hạn như các loại thuốc điều trị ung thư, HIV/AIDS hoặc dùng corticosteroid dài hạn) sẽ có nguy cơ cao hơn mắc nấm âm đạo. Hệ miễn dịch suy yếu làm giảm khả năng của cơ thể trong việc kiểm soát sự phát triển của nấm Candida, dẫn đến nhiễm trùng dễ xảy ra hơn.

6. Căng thẳng và stress

Căng thẳng tinh thần và thể chất cũng có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, khiến cơ thể khó chống lại sự phát triển của nấm Candida. Mức độ stress cao có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hệ miễn dịch, gây ra mất cân bằng trong hệ vi sinh vật âm đạo.

7. Sử dụng sản phẩm vệ sinh âm đạo không phù hợp

Việc sử dụng các loại xà phòng mạnh, dung dịch vệ sinh âm đạo có chứa hóa chất hoặc các sản phẩm thụt rửa âm đạo có thể làm thay đổi độ pH tự nhiên của âm đạo. Điều này có thể dẫn đến sự mất cân bằng vi khuẩn trong âm đạo và làm tăng nguy cơ phát triển nấm Candida. Thụt rửa âm đạo cũng loại bỏ các vi khuẩn có lợi, làm cho nấm dễ dàng phát triển hơn.

8. Mặc quần áo chật, không thoáng khí

Việc mặc quần áo hoặc đồ lót bó sát, đặc biệt là những loại được làm từ chất liệu không thấm hút mồ hôi như polyester, có thể tạo điều kiện cho khu vực âm đạo ẩm ướt và không thoáng khí. Điều này tạo ra môi trường lý tưởng cho nấm phát triển. Đồ lót làm từ vải cotton thường được khuyên dùng để giúp khu vực âm đạo luôn khô thoáng.

9. Chế độ ăn uống nhiều đường và tinh bột

Nấm Candida phát triển mạnh khi có nhiều đường. Vì vậy, một chế độ ăn uống giàu đường và tinh bột có thể thúc đẩy sự phát triển của nấm. Những người tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chứa đường, đồ ngọt, nước ngọt có nguy cơ cao bị nấm âm đạo hơn.

10. Quan hệ tình dục không an toàn

Mặc dù nấm âm đạo không được coi là bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhưng việc quan hệ tình dục không an toàn có thể làm thay đổi hệ vi sinh trong âm đạo và tạo điều kiện cho nấm phát triển. Ngoài ra, nếu một trong hai đối tác bị nhiễm nấm, việc quan hệ tình dục có thể gây ra sự lây nhiễm chéo, khiến nấm dễ tái phát.

Hiểu rõ các yếu tố nguy cơ gây nấm âm đạo giúp phụ nữ có thể phòng tránh và điều trị bệnh hiệu quả hơn, đồng thời bảo vệ sức khỏe sinh sản nữ giới mình một cách chủ động, tích cực.

Chẩn đoán nấm âm đạo

Chuẩn đoán bệnh nấm âm đạo
Chuẩn đoán bệnh nấm âm đạo – ĐKQTHN

Chẩn đoán nấm âm đạo là bước quan trọng giúp xác định chính xác tình trạng nhiễm nấm và từ đó lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Quá trình chẩn đoán thường được thực hiện thông qua việc thu thập thông tin từ bệnh nhân, thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm y khoa. Dưới đây là các bước cụ thể và chi tiết trong quá trình chẩn đoán nấm âm đạo:

1. Tiền sử bệnh và các triệu chứng lâm sàng

Bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách hỏi về tiền sử bệnh của bệnh nhân, bao gồm các triệu chứng hiện tại và những yếu tố nguy cơ có thể gây ra tình trạng nhiễm nấm. Một số câu hỏi mà bác sĩ có thể hỏi bao gồm:

  • Các triệu chứng chính là gì (ngứa, bỏng rát, khí hư bất thường, đau khi đi tiểu hoặc quan hệ)?
  • Các triệu chứng đã kéo dài bao lâu?
  • Bạn đã từng bị nhiễm nấm âm đạo trước đây chưa? Nếu có, bạn đã điều trị như thế nào?
  • Bạn có đang sử dụng kháng sinh, thuốc tránh thai, hoặc các loại thuốc khác không?
  • Bạn có bị các bệnh mãn tính như tiểu đường hoặc các bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch không?
  • Bạn có đang mang thai không?

Thông qua việc thu thập thông tin về các triệu chứng và tiền sử bệnh, bác sĩ có thể định hướng sơ bộ về khả năng bạn mắc nấm âm đạo.

2. Khám lâm sàng

Sau khi thu thập thông tin, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng để đánh giá tình trạng viêm nhiễm của âm đạo. Thông qua việc kiểm tra bằng mắt và thăm dò qua việc khám phụ khoa, bác sĩ có thể nhận biết các dấu hiệu điển hình của nấm âm đạo như:

  • Đỏ, sưng tấy: Vùng âm hộ và âm đạo có thể bị đỏ, viêm hoặc sưng tấy.
  • Khí hư bất thường: Khí hư có màu trắng đục, dày, kết cấu giống phô mai không có mùi (hoặc chỉ có mùi nhẹ) là dấu hiệu đặc trưng của nấm Candida.
  • Tổn thương niêm mạc: Trong một số trường hợp nặng, niêm mạc âm đạo có thể xuất hiện những vết loét nhỏ do ngứa và gãi.

3. Xét nghiệm khí hư

Để xác nhận chẩn đoán nấm âm đạo, bác sĩ thường sẽ tiến hành lấy mẫu khí hư từ âm đạo để xét nghiệm trong phòng thí nghiệm. Đây là bước quan trọng để xác định sự hiện diện của nấm Candida. Có một số phương pháp xét nghiệm khí hư phổ biến:

  • Xét nghiệm vi sinh: Mẫu khí hư sẽ được phết lên lam kính và soi dưới kính hiển vi để tìm nấm Candida. Bằng cách sử dụng dung dịch KOH (potassium hydroxide), bác sĩ có thể nhìn rõ hơn sự hiện diện của tế bào nấm dưới kính hiển vi. Đây là một phương pháp đơn giản và nhanh chóng để phát hiện sự có mặt của nấm.
  • Nuôi cấy vi sinh: Trong những trường hợp bệnh tái phát hoặc không điển hình, bác sĩ có thể yêu cầu nuôi cấy mẫu khí hư trong phòng thí nghiệm để xác định loại nấm cụ thể gây bệnh. Kết quả nuôi cấy giúp xác định chính xác loại Candida albicans hoặc các loài Candida khác (như Candida glabrata), từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Theo nghiên cứu của Hibbard (2011), nuôi cấy vi sinh giúp xác định Candida albicans trong 85-90% các trường hợp nhiễm nấm âm đạo.
  • Đo pH âm đạo: Bác sĩ có thể đo độ pH của khí hư để loại trừ các nguyên nhân khác gây viêm nhiễm âm đạo. Đối với nấm âm đạo, độ pH thường ở mức dưới 4.5 (bình thường). Nếu độ pH cao hơn, có thể nguyên nhân viêm nhiễm đến từ vi khuẩn hoặc trùng roi.

4. Chẩn đoán phân biệt

Trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ cũng cần loại trừ các nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự. Một số bệnh lý có thể dễ nhầm lẫn với nấm âm đạo bao gồm:

  • Viêm âm đạo do vi khuẩn: Đây là một tình trạng viêm nhiễm âm đạo do sự phát triển quá mức của các loại vi khuẩn không phải Candida, thường có triệu chứng tương tự nhưng khí hư sẽ có mùi tanh đặc trưng và độ pH âm đạo thường cao hơn 4.5.
  • Viêm âm đạo do Trichomonas: Đây là bệnh lý lây truyền qua đường tình dục gây ra bởi trùng roi Trichomonas vaginalis. Khí hư thường có màu vàng xanh, loãng, sủi bọt và có mùi hôi.
  • Herpes sinh dục: Herpes có thể gây tổn thương niêm mạc âm đạo, loét và cảm giác đau đớn, thường đi kèm với nốt mụn nước. Tuy nhiên, nấm âm đạo không gây loét mụn nước mà chỉ gây viêm đỏ và sưng tấy.

Bằng cách chẩn đoán phân biệt, bác sĩ có thể loại trừ những nguyên nhân khác và đưa ra chẩn đoán chính xác về tình trạng nấm âm đạo.

5. Xét nghiệm chuyên sâu khác

Trong một số trường hợp đặc biệt, khi bệnh nhân bị nhiễm nấm âm đạo tái phát nhiều lần hoặc điều trị không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm chuyên sâu hơn, bao gồm:

  • Xét nghiệm HIV: Đối với những bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu hoặc nấm âm đạo tái phát liên tục, việc xét nghiệm HIV có thể cần thiết để kiểm tra tình trạng hệ miễn dịch.
  • Xét nghiệm đường huyết: Đối với những người có nguy cơ tiểu đường hoặc tiểu đường chưa được chẩn đoán, xét nghiệm đường huyết có thể giúp xác định xem nấm âm đạo có liên quan đến tình trạng tăng đường huyết hay không.

Điều trị nấm âm đạo an toàn hiệu quả

Điều trị nấm âm đạo thường rất hiệu quả nếu được chẩn đoán và xử lý kịp thời. Các phương pháp điều trị chủ yếu tập trung vào việc sử dụng thuốc kháng nấm để tiêu diệt nấm Candida, đồng thời điều chỉnh lối sống để ngăn ngừa tái phát.

Điều trị bằng thuốc kháng nấm

Thuốc kháng nấm là phương pháp điều trị chính cho bệnh nấm âm đạo. Chúng có thể được sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau như thuốc bôi, viên đặt âm đạo hoặc thuốc uống. Việc lựa chọn loại thuốc phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và tiền sử y khoa của bệnh nhân.

thuốc điều trị nấm âm đạo
Thuốc điều trị nấm âm đạo – ĐKQTHN

a. Thuốc kháng nấm dạng kem hoặc viên đặt âm đạo

Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho các trường hợp nhiễm nấm âm đạo từ nhẹ đến trung bình. Thuốc kháng nấm được đặt trực tiếp vào âm đạo hoặc bôi ngoài âm hộ. Một số loại thuốc phổ biến bao gồm:

  • Clotrimazole viên 100mg (Canesten): Là một trong những loại thuốc bôi và viên đặt âm đạo phổ biến nhất. Thuốc này có thể được sử dụng trong 1 ngày, 3 ngày, hoặc 7 ngày tùy vào mức độ nhiễm nấm.
  • Econazole 150mg: Mỗi đêm đặt một viên vào trong âm đạo và dùng liên tiếp 3 đêm.
  • Gentian 0,5%: Đây là loại thuốc nấm âm đạo dùng để bôi tại chỗ.
  • Miconazole (Monistat): Đây là một loại thuốc kháng nấm khác được sử dụng rộng rãi. Nó có sẵn dưới dạng kem bôi, viên đặt âm đạo, và thậm chí là thuốc xịt.
  • Tioconazole: Loại thuốc này thường được sử dụng cho các trường hợp nhẹ và vừa. Nó có dạng kem và viên đặt âm đạo.
  • Betadine: Đây là dung dịch rửa sử dụng hàng ngày.

Hầu hết các liệu trình điều trị bằng thuốc kháng nấm tại chỗ kéo dài từ 1 đến 7 ngày. Với các trường hợp viêm nhiễm nhẹ, một liệu trình 1 hoặc 3 ngày có thể đủ, trong khi các trường hợp nặng hơn cần liệu trình 7 ngày.

b. Thuốc kháng nấm dạng uống

Khi nhiễm nấm âm đạo nghiêm trọng hơn hoặc không đáp ứng với điều trị tại chỗ, thuốc uống kháng nấm có thể được sử dụng. Fluconazole là thuốc uống kháng nấm phổ biến nhất:

Fluconazole (Diflucan): Đây là một loại thuốc kháng nấm mạnh, thường được sử dụng dưới dạng viên uống. Liều dùng phổ biến là một viên duy nhất (150 mg). Tuy nhiên, đối với các trường hợp nặng, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân uống thêm một viên sau 72 giờ hoặc kéo dài liệu trình điều trị trong nhiều tuần đối với các trường hợp mãn tính hoặc tái phát nhiều lần.

Điều trị nấm âm đạo mãn tính hoặc tái phát

Nấm âm đạo tái phát là khi bệnh nhân bị nhiễm nấm từ 4 lần trở lên trong một năm. Trong những trường hợp này, liệu trình điều trị có thể phải kéo dài hơn và phức tạp hơn:

  • Liệu trình điều trị kéo dài với fluconazole: Đối với các trường hợp nấm tái phát, bác sĩ có thể chỉ định liệu trình điều trị kéo dài với fluconazole. Ban đầu, bệnh nhân có thể được yêu cầu uống fluconazole một viên mỗi 3 ngày trong tổng cộng 3 liều. Sau đó, để phòng ngừa tái phát, bệnh nhân có thể phải uống một viên mỗi tuần trong 6 tháng.
  • Điều trị tại chỗ kéo dài: Đối với các bệnh nhân không thể sử dụng thuốc uống hoặc có vấn đề về tiêu hóa, các liệu trình đặt thuốc kéo dài từ 7 đến 14 ngày có thể được bác sĩ chỉ định.

Điều trị các yếu tố nguy cơ liên quan gây nấm âm đạo

Nếu nấm âm đạo tái phát nhiều lần, cần chú ý đến việc điều trị các yếu tố nguy cơ liên quan để ngăn ngừa bệnh quay trở lại:

  • Kiểm soát bệnh tiểu đường: Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường cần duy trì mức đường huyết ổn định để ngăn chặn sự phát triển của nấm Candida.
  • Giảm stress: Căng thẳng có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, tạo điều kiện cho nấm phát triển. Việc tập thể dục thường xuyên, thực hành thiền định hoặc yoga có thể giúp giảm căng thẳng và tăng cường hệ miễn dịch.
  • Tránh sử dụng kháng sinh không cần thiết: Kháng sinh có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh vật âm đạo, do đó nên hạn chế việc sử dụng kháng sinh trừ khi thực sự cần thiết.

Phòng ngừa nấm âm đạo

Cách phòng tránh nấm âm đạo tái phát
Cách phòng tránh nấm âm đạo tái phát – ĐKQTHN

a. Duy trì vệ sinh cá nhân đúng cách

  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ: Rửa sạch vùng kín hàng ngày bằng nước ấm và không sử dụng xà phòng có hóa chất mạnh. Sử dụng dung dịch vệ sinh có độ pH cân bằng, không chứa mùi hương hay hóa chất để tránh kích ứng và giữ cân bằng hệ vi sinh vật âm đạo.
  • Tránh thụt rửa âm đạo: Thụt rửa âm đạo có thể làm mất cân bằng vi sinh vật tự nhiên trong âm đạo, làm tăng nguy cơ nhiễm nấm.

b. Sử dụng probiotics

  • Probiotics có chứa vi khuẩn Lactobacillus được khuyến cáo sử dụng để cân bằng hệ vi sinh âm đạo. Probiotics có thể được bổ sung qua chế độ ăn uống hoặc dưới dạng viên nang. Các loại thực phẩm như sữa chua, kefir, và các sản phẩm lên men khác cũng chứa nhiều vi khuẩn có lợi cho hệ vi sinh vật âm đạo.

c. Điều chỉnh lối sống và chế độ ăn uống

  • Giảm tiêu thụ đường và tinh bột: Nấm Candida phát triển mạnh khi có nhiều đường. Vì vậy, giảm lượng đường và tinh bột trong chế độ ăn uống có thể giúp kiểm soát sự phát triển của nấm. Các thực phẩm ngọt, nước ngọt có ga, bánh kẹo cần hạn chế.
  • Mặc đồ lót thoáng khí: Sử dụng đồ lót cotton giúp vùng kín thoáng mát và hạn chế môi trường ẩm ướt, tạo điều kiện cho nấm phát triển. Tránh mặc quần áo quá chật hoặc quần áo làm từ chất liệu không thấm hút mồ hôi như polyester.

d. Khám lại theo lịch hẹn của bác sĩ

Sau khi điều trị, nếu các triệu chứng không giảm hoặc tái phát nhiều lần, bạn cần gặp lại bác sĩ để xem xét lại tình trạng bệnh. Trong một số trường hợp, nấm âm đạo có thể kháng lại các loại thuốc kháng nấm thông thường, và bác sĩ có thể cần phải thay đổi phương pháp điều trị.

Nấm âm đạo không phải là một bệnh lý nguy hiểm, nhưng nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, bệnh có thể gây khó chịu và ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống. Hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và các biện pháp phòng ngừa sẽ giúp phụ nữ chủ động bảo vệ sức khỏe của mình. Việc tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh và lối sống lành mạnh là cần thiết để phòng ngừa tái phát. Liên hệ số 0869 725 632 hoặc khung chat nếu bạn cần hỗ trợ trực tiếp.

5/5 - (1 bình chọn)

banner
map phòng khám map phòng khám mobile
21 26 28 35 44 51