Viêm da dị ứng Nguyên nhân biểu hiện và cách điều trị
Viêm da dị ứng là bệnh lý da liễu có thể xảy ra ở mọi đối tượng, từ trẻ sơ sinh tới người lớn. Không chỉ ảnh hưởng tới sinh hoạt thường ngày, bệnh còn tác động tiêu cực tới sức khỏe của người bệnh nếu không được kiểm soát sớm và hiệu quả.
Bài viết học thuật giải đáp chi tiết về bệnh viêm da dị ứng ở người được hỗ trợ chuyên môn bởi bác sĩ CKII – Da Liễu Nguyễn Thị Quy – Trưởng khoa Da Liễu Phòng khám đa khoa quốc tế Hà Nội.
Nội dung bài viết:
Viêm da dị ứng là gì?
Viêm da dị ứng là một bệnh viêm da mãn tính, đặc trưng bởi tình trạng da khô, ngứa dữ dội, viêm đỏ và có thể xuất hiện mụn nước hoặc dày da khi bệnh kéo dài. Bệnh có liên quan đến rối loạn miễn dịch và cơ địa dị ứng, thường gặp ở người có tiền sử hoặc gia đình có các bệnh dị ứng như hen suyễn, viêm mũi dị ứng.
Viêm da dị ứng thường tái phát theo từng đợt, có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường, thời tiết, căng thẳng hoặc chất gây kích ứng. Bệnh không lây nhưng gây nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Đặc điểm của viêm da dị ứng
Viêm da dị ứng có nhiều đặc điểm điển hình, giúp phân biệt với các bệnh da liễu khác. Triệu chứng nổi bật nhất là ngứa dữ dội, thường xuất hiện ngay cả khi chưa thấy tổn thương rõ trên da. Cơn ngứa thường tăng vào ban đêm, khiến người bệnh mất ngủ, gãi nhiều dẫn đến trầy xước, chảy dịch hoặc nhiễm trùng thứ phát.
Da khô, bong tróc là biểu hiện phổ biến, do hàng rào bảo vệ da bị tổn thương và mất khả năng giữ ẩm. Bề mặt da có thể sần sùi, nứt nẻ hoặc bong vảy nhẹ, đặc biệt ở các vùng như khuỷu tay, đầu gối, cổ tay, mặt hoặc cổ.
Tổn thương da thay đổi theo giai đoạn bệnh. Trong giai đoạn cấp tính, da đỏ, phù nề, nổi mụn nước nhỏ, có thể vỡ ra và rỉ dịch. Khi chuyển sang giai đoạn mãn tính, da trở nên dày sừng, sạm màu, có vết lằn do gãi lâu ngày, gọi là hiện tượng liken hóa.
Bệnh thường tái phát nhiều lần, đặc biệt khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích như bụi bẩn, phấn hoa, chất tẩy rửa, thay đổi thời tiết, stress, hoặc dị ứng thức ăn. Tính chất mãn tính và dễ tái phát khiến việc điều trị viêm da dị ứng cần kiên trì và kết hợp nhiều biện pháp chăm sóc da.
Các dạng viêm da dị ứng
Dựa vào đặc điểm, viêm da dị ứng có nhiều dạng bệnh. Bao gồm:
Viêm da dị ứng tiếp xúc
Viêm da dị ứng tiếp xúc xảy ra do tiếp xúc trực tiếp với các dị nguyên – là các tác nhân gây dị ứng. Chúng có thể là các thực phẩm như sữa bò, trứng, lúa mì hoặc đậu phộng; xà phòng, chất tẩy rửa; lông thú cứng, phấn hoa; các loại dầu thơm, nước hoa và mỹ phẩm…
Viêm da cơ địa dị ứng
Viêm da cơ địa dị ứng thường xảy ra do di truyền, ở gen gây dị ứng. Do yếu tố di truyền nên viêm da cơ địa dị ứng rất khó để có thể kiểm soát hoàn toàn và bệnh rất dễ tái phát.
Viêm da dị ứng thời tiết
Viêm da dị ứng thời tiết liên quan đến sự thay đổi thời tiết. Vào những thời điểm giao mùa hay khi không khí quá lạnh, hanh khô hoặc quá nóng, bệnh thường phát triển mạnh.
Viêm da dị ứng bội nhiễm
Viêm da dị ứng bội nhiễm là dạng nặng nhất của bệnh viêm da dị ứng, xảy ra khi các mụn nước bị vỡ, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng da
Triệu chứng viêm da dị ứng
Tùy thuộc vào từng dạng viêm, giai đoạn của bệnh, đối tượng mắc mà triệu chứng viêm da dị ứng có sự khác biệt.
Triệu chứng viêm da dị ứng theo dạng bệnh
- Viêm da dị ứng cơ địa: Ngứa da, nổi đốm đỏ tròn trên da, kèm theo bong tróc da, mụn nước trên bề mặt da và phù nề. Thời gian dài Vùng da bị viêm sần đỏ, bong vảy, chảy dịch vàng.
- Viêm da dị ứng tiếp xúc: Phát ban đỏ trên da, gây nóng rát, ngứa ngáy và có thể phồng rộp.
- Viêm da dị ứng thời tiết: Ngứa ngáy, da nổi ban đỏ, phù nề, xuất hiện đám vảy khô không đồng đều…
- Viêm da dị ứng bội nhiễm: Chảy dịch từ mụn nước, da sưng , ngứa, đỏ, đau rát nhiều, chảy dịch
Triệu chứng viêm da theo đối tượng mắc
Ở trẻ sơ sinh
Bệnh viêm da dị ứng thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh từ khoảng 6 – 12 tuần tuổi. Trẻ bị viêm da dị ứng cha mẹ sẽ nhận thấy các nốt phát ban loang lổ trên khuôn mặt. Các vùng da này có thể trở nên đỏ, bong vảy và chảy nước. Viêm da dị ứng ở trẻ sơ sinh có thể được cải thiện khi trẻ trên 2 tuổi. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có thể tái phát, nhưng thường ở mức độ nhẹ hơn.
Ở trẻ em
Triệu chứng viêm da dị ứng ở trẻ nhỏ là phát ban dày màu đỏ, có thể chảy dịch khi gãi. Ban thường xuất hiện sau đầu gối, bên trong khuỷu tay, hai bên cổ, trên cổ tay, mắt cá chân và bàn tay. Phát ban thường bắt đầu với các sẩn và khi bị xước chúng trở nên cứng và có vảy. Sau mỗi lần viêm da, có thể xuất hiện tình trạng tăng hoặc giảm sắc tố da. Vùng da bị viêm có thể trở nên sậm màu hoặc sáng hơn các vùng da lành.
Ở người lớn
Triệu chứng viêm da dị ứng ở người lớn tương tự như với trẻ em. Một số trường hợp ở người trưởng thành, tình trạng viêm da chỉ xảy ra ở bàn tay hoặc bàn chân với biểu hiện điển hình là da trở nên khô, ngứa, đỏ và nứt nẻ. Bên cạnh đó, cũng có một số trường hợp tình trạng dị ứng viêm da xuất hiện xung quanh núm vú, đặc biệt là ở phụ nữ đang cho con bú.
Những người mắc bệnh cơ địa như viêm mũi dị ứng, mày đay, hen… sẽ có nguy cơ cao bị viêm da cơ địa dị ứng khi tiếp xúc với dị nguyên.
Triệu chứng viêm da dị ứng theo mức độ bệnh
Giai đoạn cấp tính
Giai đoạn cấp tính là giai đoạn khởi phát của bệnh viêm da dị ứng, với các biểu hiện rõ rệt.
- Da bị đỏ và viêm: Vùng da bị viêm dị ứng trở nên đỏ, sưng và viêm. Đây là phản ứng của cơ thể trước sự tấn công của tác nhân gây dị ứng.
- Ngứa dữ dội: Ngứa là triệu chứng điển hình khi bị viêm da dị ứng. Cơn ngứa có thể trở nên nặng, dữ dội vào buối tối hoặc thời tiết nóng nực, ra nhiều mồ hôi, khiến người bệnh khó chịu.
- Mụn nước: Viêm da dị ứng có thể gây ra tình trạng mọc mụn nước nhỏ trên vùng da bị tổn thương. Khi mụn nước vỡ, chất dịch bên trong sẽ chảy ta và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nếu không vệ sinh sạch sẽ.
Giai đoạn bán cấp
Giai đoạn bán cấp là giai đoạn tiếp theo của giai đoạn cấp tính. Ở giai đoạn này, các triệu chứng bệnh bắt đầu giảm bớt nhưng vẫn còn tồn tại:
- Da khô hơn: Vùng da bị viêm trở nên khô hơn gây bong tróc da. Mụn nước cũng ít xuất hiện hơn.
- Ngứa và bong tróc: Tình trạng ngứa không còn dữ dội như ở giai đoạn cấp tính tuy nhiên vẫn khiến người bệnh cảm thấy khó chịu.
- Giảm viêm: Tình trạng viêm giảm bớt nhưng vùng da bị ảnh hưởng vẫn có thể đỏ và sưng nhẹ.
Giai đoạn mãn tính
Viêm da dị ứng mãn tính là tình trạng tái phát nhiều lần của bệnh viêm da dị ứng:
- Da dày lên và sần sùi: Viêm da kéo dài khiến da trở nên dày và sần sùi. Hiện tượng này được gọi là lichenification.
- Vết nứt và ngứa kéo dài: Vùng da bị viêm có thể bị nứt nẻ và ngứa kéo dài. Tình trạng ngứa ở giai đoạn này thường âm ỉ và trở nên dữ dội khi tiếp xúc với các dị nguyên.
- Sạm da: Viêm da kéo dài có thể làm thay đổi sắc tố trên da. Da có thể trở nên tối hoặc nhạt màu hơn so với các vùng da không bị tổn thương. Sự thay đổi màu sắc da có thể diễn ra ngay cả khi các triệu chứng khác đã giảm.
Viêm da dị ứng có nguy hiểm không?
Viêm da tiếp xúc dị ứng tuy không đe dọa tới tính mạng nhưng gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý, chất lượng sinh hoạt và sức khỏe của người bệnh.
Ảnh hưởng tâm lý
Ở trẻ em, triệu chứng ngứa ngáy, đau rát khi mắc viêm da dị ứng có thể dẫn tới hành vi tăng động giảm chú ý. Chúng không thể tập trung vào hoạt động nào đó. Không chỉ thế trẻ bị viêm da dị ứng cũng có xu hướng bám dính ba mẹ nhiều hơn. Còn ở trẻ sơ sinh, viêm da dị ứng khiến trẻ cảm thấy khó chịu và quấy khóc nhiều hơn.
Thêm vào đó, các phát ban trên da gây mất thẩm mỹ. Trẻ có thể bị bạn trêu chọc, dẫn tới mặc cảm, nhút nhát, tự ti, khó hòa nhập vào tập thể.
Ảnh hưởng giấc ngủ
Tình trạng ngứa ngáy do viêm da dị ứng trở nên trầm trọng hơn vào ban đêm khiến người bệnh khó có thể vào giấc, dẫn tới thiếu ngủ. Thiếu ngủ ảnh hưởng tới cả tâm trạng và hành vi của người bệnh như khó tập trung, hay mệt mỏi hoặc dễ cáu gắt.
Nhiễm trùng da
Để giảm cơn ngứa ngáy do viêm da dị ứng, người bệnh thường dùng tay gãi hoặc cào. Hành động này đã phá vỡ hàng rào bảo vệ da, tạo ra con đường thuận lợi để vi khuẩn, virus vào vùng da bị tổn thương và hậu quả là dẫn tới nhiễm trùng da. Khi da bị nhiễm trùng, người bệnh sẽ nhận thấy da tiết dịch vàng, xuất hiện các đốm nhỏ (màu trắng, vàng) trong vết chàm hoặc da trở nên sưng tấy, đau nhức, cơ thể cảm thấy mỏi mệt, ớn lạnh hay rùng mình.
Tăng nguy cơ mắc hen suyễn và viêm mũi dị ứng
Ở trẻ dưới 13 tuổi, tình trạng viêm da dị ứng thường tiến triển thành hen suyễn và viêm mũi dị ứng. Hai bệnh lý này có liên quan và thường tác động lẫn nhau khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn. Đặc biệt, hen suyễn có thể khiến người bệnh ngừng hô hấp, đe dọa trực tiếp tới tính mạng.
Viêm da dị ứng thì phải làm sao?
Để tránh những biến chứng có thể xảy ra do viêm da dị ứng, người bệnh cần khắc phục bệnh hiệu quả càng sớm càng tốt. Vì thế, khi có triệu chứng của bệnh, bạn nên đến gặp bác sĩ Da liễu để được khám, tìm ra tác nhân gây viêm, từ đó có phác đồ điều trị thích hợp.
Sau khám, tùy vào loại cơ thế gây viêm cũng như mức độ bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.
Về nguyên tắc, mục tiêu của việc trị viêm da dị ứng là:
- Ngăn các triệu chứng của bệnh tiến triển xấu đi hoặc bùng phát bệnh
- Giảm đau, giảm ngứa cho người bệnh
- Giảm cảm giác khó chịu hay yếu tố nguy cơ gây ra dị ứng da
- Giảm nguy cơ nhiễm trùng da
- Làm mềm da, giúp da không bị dày lên.
Do đó, để chữa viêm da dị ứng, người bệnh cần kết hợp điều trị theo phác đồ của bác sĩ và chăm sóc cá nhân sạch sẽ.
Dùng thuốc chữa viêm da dị ứng
Thuốc chữa viêm da dị ứng thường là thuốc dạng kem bôi hoặc thuốc mỡ được kê toa dùng kèm theo sau bước dưỡng ẩm để giúp giảm ngứa và phục hồi vùng da bị tổn thương.
Ngoài ra, một số kem bôi có thể được sử dụng cho bé từ 2 tuổi trở lên nhằm tác động tới hệ thống miễn dịch, ngăn hệ miễn dịch phản ứng quá mức – từ đó giảm bớt tần suất dị ứng của da.
Trường hợp da có vết lớt hoặc có dấu hiệu bị nhiễm trùng, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc kháng sinh dạng uống hoặc thoa để giảm tình trạng viêm.
Thuốc bôi chữa viêm da dị ứng có thể gây tác dụng phụ khi sử dụng quá liều. Vì vậy, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ về loại thuốc, liều dùng, thời gian sử dụng để đảm bảo hiệu quả chữa bệnh tốt nhất, tránh tác dụng phụ không mong muốn.
Liệu pháp ánh sáng
Một số trường hợp mắc viêm da dị ứng nhưng không đáp ứng với phương pháp điều trị tại chỗ hoặc tình trạng viêm tái đi tái lại thường xuyên trong thời gian ngắn, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng liệu pháp ánh sáng.
Đây là phương pháp sử dụng tia cực tím hoặc đèn chiếu để chặn các phản ứng miễn dịch gây ra dị ứng, từ đó, giảm các triệu chứng bệnh.
Chữa viêm da dị ứng bằng liệu pháp ánh sáng ít được sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bởi có thể khiến da của trẻ lão hóa sớm và tăng ngiu cơ ung thư.
Chăm sóc tại nhà
Bên cạnh việc điều trị theo phác đồ, người bệnh cũng cần thực hiện chăm sóc tại nhà để bệnh không tiến triển nặng thêm hay tái phát thường xuyên:
- Tuyệt đối không được gãi để giảm ngứa để tránh da bị trầy xước dẫn tới nhiễm trùng da. Thay vì gãi, bạn có thể ấn vào vùng da bị viêm để giảm ngứa hoặc chườm lạnh.
- Với trẻ nhỏ, bạn nên cắt móng tay và đeo găng tay cho bé lúc ngủ để tránh làm xước vùng da bị viêm
- Trường hợp xác định tác nhân gây viêm da dị ứng, bạn nên loại bỏ chúng khỏi sinh hoạt thường ngày. Nếu vì đặc thù công việc phải tiếp xúc với tác nhân đó, bạn nên sử dụng các biện pháp bảo vệ da.
- Vệ sinh thân thể sạch sẽ, nên dùng sữa tắm có tính chất dịu nhẹ, không nên tắm nước quá nóng hay quá lạnh. Sau tắm, bạn nên dùng dưỡng ẩm để làm mềm da
- Bổ sung dưỡng chất để nâng cao sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể
Cách phòng ngừa viêm da dị ứng
Cách phòng ngừa viêm da dị ứng hiệu quả là phòng ngừa các tác nhân gây dị ứng da. Theo đó, để phòng ngừa viêm da dị ứng, bạn có thể áp dụng những điều sau:
- Bổ sung dưỡng ẩm cho da ít nhất 2 lần mỗi ngày, nhất là vào mùa đông khi thời tiết hanh khô, thông qua các sản phẩm như kem dưỡng, thuốc mỡ hoặc xịt khoáng. Khi tắm cũng không nên tắm nước quá nóng hoặc tắm quá lâu.
- Uống đủ nước mỗi ngày
- Các sản phẩm tiếp xúc với da như xà phòng, bột giặt,… nên chọn loại có thành phần dịu nhẹ, không kiềm, không hương liệu hoặc phẩm màu để hạn chế nguy cơ gây kích ứng da.
- Nên ưu tiên những loại quần áo trơn, thấm hút tốt, được làm từ vải cotton hay sợi tự nhiên. Tránh mặc quần áo làm từ vải sợi len, lụa và các loại vải nhân tạo như polyester vì chúng dễ gây kích ứng da.
- Thường xuyên vệ sinh, lau dọn không gian sống để giảm bớt bụi bẩn, lông thú, phấn hoa.
- Không hút hoặc tránh xa khói thuốc để bảo vệ làn da nhạy cảm của bạn.
- Thư giãn, giải tỏa áp lực cũng là một trong những cách ngăn ngừa viêm da tái phát.
Một số vấn đề liên quan khác về bệnh viêm da dị ứng
Viêm da dị ứng có khỏi được không?
Phần lớn hầu hết các trường hợp mắc viêm da dị ứng cần can thiệp y khoa để giảm triệu chứng của bệnh. Nhưng cũng có một số ít trường hợp bệnh có thể tự khỏi nhưng tốn thời gian khá lâu.
Viêm da dị ứng có để lại sẹo không?
Viêm da dị ứng có để lại sẹo hay không còn tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý ở mỗi người.
Những trường hợp mắc viêm da dị ứng mức độ nhẹ, chữa trị ngay khi có dấu hiệu bệnh, đồng thời thực hiện chữa trị đúng cách, bệnh sẽ được chữa khỏi và hiếm khi để lại sẹo. Sau khi triệu chứng viêm da dần biến mất, da người bệnh sẽ từ từ hồi phục, trở lại như ban đầu.
Còn đối với trường hợp viêm da dị ứng nặng hơn, bệnh nhân không điều trị sớm cũng như chăm sóc đúng cách thì khả năng để lại sẹo trên da là rất cao.
Do đó, để bệnh khỏi nhanh, hạn chế tối đa nguy cơ để lại sẹo thì người bệnh cần chữa viêm da dị ứng sớm ngay khi mới khởi phát cũng như chữa trị, chăm sóc đúng cách.
Viêm da dị ứng có lây không?
Nguyên nhân gây viêm da dị ứng chủ yếu là do các yếu tố di truyền, hệ thống miễn dịch hay môi trường (thời tiết, thực phẩm, hóa chất,…..). Sự tương trợ từ các tác nhân nhiễm trùng như nấm, vi khuẩn hay virus không phải là yếu tố dẫn tới tình trạng viêm da dị ứng.
Do đó, bệnh viêm da dị ứng không có tính lây truyền, không lây nhiễm từ người bệnh sang người lành. Vì thế, bạn có thể an tâm khi tiếp xúc thông thường với người bị viêm da dị ứng mà không lo sợ mắc bệnh.
Mắc viêm da dị ứng nên kiêng gì?
Người mắc viêm da dị ứng nên tránh những thực phẩm có thể gây kích ứng da, làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Theo đó, một số thực phẩm nên tránh khi bị viêm da dị ứng:
- Thực phẩm cay, nóng
- Thực phẩm chứa nhiều dầu mỡ
- Thực phẩm chứa nhiều đường
- Sữa và các sản phẩm từ sữa
- Các loại thịt béo,…
Trên đây là những thông tin quan trọng về bệnh viêm da dị ứng. Viêm da dị ứng là bệnh lý ngoài da không nguy hiểm tới tính mạng nhưng rất dễ tái phát và gây ra những tác động tiêu cực tới tâm lý, sinh hoạt thường ngày và sức khỏe nếu không được khắc phục sớm. Vì thế, bạn tuyệt đối không được chủ quan trước triệu chứng của bệnh, nên đi khám ngay khi nghi ngờ mắc bệnh. Nếu bạn còn băn khoăn, thắc mắc hay muốn đặt lịch hẹn khám, hãy liên hệ với chúng tôi qua Hotline để được hỗ trợ giải đáp nhanh chóng.